Công nghệ nâng cấp độ phân giải hình ảnh - NVIDIA DLSS 3.5 - là gì?

Công nghệ nâng cấp độ phân giải hình ảnh - NVIDIA DLSS 3.5 - là gì?
Ngày đăng: 27/11/2023 08:18 AM

    Công nghệ nâng cấp độ phân giải hình ảnh - NVIDIA DLSS 3.5 - là gì?



    Bản cập nhật DLSS 3.5 được NVIDIA giới thiệu tại sự kiện Gamescom 2023, nâng lượng dữ liệu huấn luyện lên gấp 5 lần so với DLSS 3, từ đó mang lại chất lượng hình ảnh rõ nét hơn. Khi chơi game, anh em có thể tùy chọn bật hoặc không bật công nghệ DLSS 3.5, riêng biệt bên cạnh DLSS 3. Có thể nói kể từ khi DLSS xuất hiện, ngành công nghiệp game đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt nếu người chơi muốn trải nghiệm ray tracing nhưng không muốn hi sinh tốc độ khung hình.



    nvidia-dlss-3-5-tinhte-1.jpg

    Sự khác biệt mà DLSS 3.5 mang lại là kỹ thuật Ray Reconstruction (nôm na là tái cấu trúc tia), vẫn sử dụng AI để tạo nên những điểm ảnh chất lượng cao hơn cho các cảnh game có ray tracing. Khi ray tracing chưa xuất hiện, anh em thấy hình ảnh trong game đẹp thì có đẹp nhưng không đủ thực tế. Kỹ thuật ray tracing (hay dò tia) sẽ mô phỏng cách ánh sáng tương tác trong môi trường thực sự, từ đó tạo nên cảnh vật với hiệu ứng đổ bóng, phản chiếu và ánh sáng toàn cảnh giống ngoài đời hơn. Đổi lại cho sự chân thực là hiệu năng của card đồ họa sẽ cần rất nhiều để xử lý, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ khung hình trung bình - thứ quyết định cho trải nghiệm game mượt mà hay giật lag.



    DLSS ra đời nhằm giải quyết điểm yếu của ray tracing, sử dụng AI để nâng cấp độ phân giải hình ảnh từ thấp lên cao mà không hoặc rất ít ảnh hưởng tới chất lượng. Hiểu đơn giản thì chúng ra sẽ bật ray tracing ở độ phân giải gốc (native) thấp, rồi DLSS sẽ nâng cấp hình ảnh đó lên độ phân giải cao hơn, đôi khi không làm xấu đi mà còn kèm thêm tăng chất lượng hình ảnh nữa. Cho tới đời DLSS 3, công nghệ này có nhiều cải tiến nhưng nhìn chung thì cơ bản vẫn vậy.

    nvidia-dlss-3-5-tinhte-2.jpg

    Với DLSS 3.5, NVIDIA tiếp tục ứng dụng AI cho kỹ thuật Ray Reconstruction hay ngắn gọn hơn là khử nhiễu - denoise. AI sẽ tái cấu trúc những điểm ảnh bị thiếu hoặc bị nhiễu khi bật ray tracing, giải quyết được hiện tượng sai màu, độ sai lệch trong đường đi ánh sáng hay những vệt bóng mờ (ghosting) lúc chơi game. Ray tracing tạo ra các tia sáng từ camera vào khung cảnh game, tính toán cách ánh sáng tương tác với vật thể và bề mặt. Mỗi tia sáng đại diện cho 1 điểm ảnh và khi tia sáng nhiều lên, độ chính xác hình ảnh trở nên gần với thực tế nhất, mô phỏng như cách chúng ta cảm nhận ánh sáng thật ngoài đời. Đồng thời thì nhiều tia sáng cũng tiêu hao năng lực tính toán của GPU nhiều hơn, nếu không có DLSS, trải nghiệm chơi game bật ray tracing sẽ không ngon chút nào. Do đó ray tracing sẽ không tạo ra quá nhiều tia sáng mà số lượng tia ít hơn so với số điểm ảnh, rồi bù lại bằng thuật toán khử nhiễu, chèn các điểm ảnh thiếu vào giữa, sử dụng cách tính trung bình hoặc nội suy điểm ảnh lân cận.

    nvidia-dlss-3-5-tinhte-3.jpg

    Thuật toán khử nhiễu khi hoạt động có thể cho ra kết quả hình ảnh tốt, cũng có thể không tốt khi xuất hiện bóng mờ, nhòe, sai màu, lúc này Ray Reconstruction vào cuộc. Ray Reconstruction là thuật toán khử nhiễu dựa trên AI, sử dụng mạng thần kinh để tạo ra các điểm ảnh có chất lượng cao từ những điểm ảnh chất lượng thấp. Trước đây thuật toán khử nhiễu có các quy tắc được điều chỉnh thủ công, có khi là phương pháp phỏng đoán để tạo ra điểm ảnh bị thiếu, nhưng Ray Reconstruction dùng AI được đào tạo từ hàng triệu hình ảnh chất lượng cao đầu vào, dựng hình bằng ray tracing. Kỹ thuật này phân tích các điểm ảnh trên màn hình, sau đó so sánh với tia sáng tương ứng trong cảnh game, rồi sử dụng thông tin đó để tạo ra điểm ảnh chính xác nhất, phù hợp nhất về độ sáng, màu sắc và cả hướng sáng, nhờ vậy hình ảnh có chất lượng tốt hơn nhiều.

    nvidia-dlss-3-5-tinhte-4.jpg

    Một điểm đáng chú ý khác của DLSS 3.5 là khả năng tương thích cao. Không như DLSS 3 chỉ hỗ trợ trên RTX 40 Series, DLSS 3.5 chạy được với bất kỳ mẫu card RTX Series nào. Điều này có nghĩa là người dùng được hưởng lợi nhiều hơn với khả năng nâng cấp hình ảnh và khử nhiễu mới. Dĩ nhiên tính năng Frame Generation vẫn chỉ độc quyền cho RTX 40 Series, dù vậy trước mắt thì nó chưa đủ ấn tượng và còn cần nâng cấp nhiều hơn để giải quyết những lỗi tồn đọng.

    Facebook Gọi điện Gửi tin nhắn Zalo Zalo Liên hệ