Hơn 70% lượng game được AMD tài trợ là độc quyền FSR, không có DLSS

Hơn 70% lượng game được AMD tài trợ là độc quyền FSR, không có DLSS
Ngày đăng: 27/06/2023 01:20 PM

    Hơn 70% lượng game được AMD tài trợ là độc quyền FSR, không có DLSS

     

    Trang Wccftech đã tổng hợp 1 danh sách các tựa game được AMD tài trợ (nghĩa là tặng kèm với phần cứng AMD hoặc là 1 phần của chiến dịch ra mắt phần cứng AMD mới), trong đó có hơn 70% là độc quyền với FidelityFX Super Resolution. Tính độc quyền của FSR trên các tựa game này đang nằm trong vòng nghi vấn, do người phát ngôn của AMD tránh né trả lời trực tiếp câu hỏi từ Wccftech.

    Danh sách được tổng hợp gồm 21 tựa game trải dài từ 2020 đến nay, trong đó có 13 game “của AMD” và 8 game “của NVIDIA”. Chỉ duy nhất 1 trường hợp game NVIDIA - Battlefield 2042 - là không có sự hỗ trợ của AMD FSR, còn lại đều đầy đủ. Ngược lại phía game AMD, nếu xét trên 11 game có FSR thì chiếm đến hơn 70% (8 game) cũng đồng thời không có DLSS. Phần còn lại là Halo Infinite và World of Warcraft Shadowlands đều không hỗ trợ FSR hay DLSS, và 3 game hỗ trợ cả 2 công nghệ này (Last of Us Part 1, Forspoken và Uncharted Legacy of Thieves Collection).

    amd-fidelityfx-super-resolution-game-doc-quyen-tinhte.PNG

    Rất khó hiểu vì sao các game “của AMD” không hỗ trợ DLSS, vì nếu chúng được ra mắt với AMD FSR thì sau 1 khoảng thời gian, nhà phát triển hoàn toàn có thể tung bản cập nhật mới cho DLSS. Suy đoán rằng đâu đó trong thỏa thuận đôi bên đã ngăn chặn tình huống này. Khi nhận được câu hỏi từ Wccftech, người phát ngôn của AMD đã phản hồi như sau:

    “Để làm rõ điều này, có các trang thông tin cộng đồng tổng hợp lại những công nghệ nâng cấp hình ảnh đang có của các tựa game trên thị trường, trong đó có một số game chỉ hỗ trợ DLSS (xem ở đây).



    AMD FidelityFX Super Resolution là công nghệ nguồn mở hỗ trợ nhiều kiến trúc GPU, bao gồm cả hệ console và giải pháp cạnh tranh, đồng thời chúng tôi tin rằng cách tiếp cận mở được hỗ trợ rộng rãi trên nhiều nền tảng phần cứng là cách tiếp cận tốt nhất, mang lại lợi ích cho nhà phát triển và game thủ. AMD cam kết làm những gì tốt nhất cho các nhà phát triển game và người chơi, đồng thời chúng tôi mang đến cho các nhà phát triển sự linh hoạt trong việc triển khai FSR vào bất kỳ tựa game nào họ thích.”

    amd-fidelityfx-super-resolution-game-doc-quyen-tinhte-1.jpg

    Có thể thấy câu trả lời của AMD là đang tránh né đi thẳng vào vấn đề được hỏi, chỉ nói chung chung, dẫn đến những lo lắng về sự xuất hiện của NVIDIA DLSS hay Intel XeSS ở những tựa game nêu trên. Đây có thể là 1 cách để AMD tạo ra lợi thế trong cạnh tranh ở thị trường card đồ họa. Nếu 1 tựa game hay nhưng chỉ hỗ trợ FSR, nhiều khả năng người chơi sẽ phải chọn AMD GPU để mua thay vì đối thủ, ngược lại nếu game hay và sẵn sàng cho cả FSR, DLSS lẫn XeSS, sự lựa chọn GPU của người dùng sẽ linh hoạt hơn.

    Wccftech cũng hỏi 1 câu tương tự cho NVIDIA, Phó Chủ tịch Quan hệ với Nhà phát triển - Keita Lida - xác nhận rằng NVIDIA không ngăn chặn hoặc ép buộc các nhà phát triển game thêm hỗ trợ FSR hay XeSS trong game được NVIDIA tài trợ.

    “NVIDIA không và sẽ không thực hiện ngăn chặn, hạn chế, ngăn cản hay cản trở các nhà phát triển triển khai công nghệ của đối thủ cạnh tranh theo bất kỳ cách nào. Chúng tôi cung cấp công cụ và sự hỗ trợ cho tất cả các nhà phát triển game để dễ dàng tích hợp DLSS nếu họ thích, và thậm chí là có cả NVIDIA Streamline để giúp các nhà phát triển thêm công nghệ cạnh tranh của đối thủ vào game dễ dàng hơn nữa.”

    nvidia-streamline-tinhte.jpg

    Streamline là cách tiếp cận rất thân thiện từ NVIDIA, cho phép nhà phát triển và modder truy cập vào các công cụ giúp dễ dàng tích hợp không chỉ DLSS mà còn cả FSR lẫn XeSS vào game. Đây là 1 giải pháp cross-IHV (Independent Hardware Vendors) nguồn mở, đơn giản hóa việc tích hợp công nghệ nâng cấp độ phân giải của NVIDIA và các nhà sản xuất phần cứng khác vào ứng dụng và game. Streamline hỗ trợ các công nghệ như DLSS (Deep Learning Super Sampling), DLAA (Deep Learning Anti-Aliasing), Image Scaling (Spatial Upscaler), Real-Time Denoisers (NRD) và Reflex (Low-Latency SDK). Bản thân NVIDIA cũng làm việc với các modder và các tác giả của những công cụ giúp thêm DLSS vào những tựa game không hỗ trợ chính thức hay dùng Remix.

    Có sự khác biệt giữa AMD FSR và phần còn lại, trong khi FSR được chia sẻ thông qua kênh mã nguồn mở thì DLSS và XeSS không như vậy. Tuy nhiên NVIDIA và Intel lại cung cấp công cụ SDK để các nhà phát triển có thể triển khai công nghệ tương tự vào game dễ dàng, sử dụng các tập tin nhị phân được biên dịch sẵn (precompiled binaries). Tức là về cơ bản, nhà phát triển game hoàn toàn có thể chọn lựa thêm công nghệ nâng cấp hình ảnh bất kỳ vào sản phẩm của họ mà không tốn bất kỳ chi phí nào. Theo lẽ thường, nhà phát triển sẽ muốn game của họ được chơi nhiều nhất có thể, dẫn tới việc mong muốn tích hợp tất cả công nghệ nâng cấp hình ảnh để thỏa mãn nhu cầu game thủ, còn nếu nó không theo logic này, nhiều khả năng đã có thỏa thuận ngầm nào đó cần tuân thủ.

     

    Facebook Gọi điện Gửi tin nhắn Zalo Zalo Liên hệ