Unbox và phân tích bo mạch chủ ASUS Z690-E Strix Gaming WiFi: Nhiều cải tiến hấp dẫn

Unbox và phân tích bo mạch chủ ASUS Z690-E Strix Gaming WiFi: Nhiều cải tiến hấp dẫn
Ngày đăng: 09/11/2021 11:39 AM

    Intel đã công bố chính thức chipset Z690 (các dòng chipset thấp hơn sẽ công bố sau) cùng với các vi xử lý Gen 12 với nhiều cải tiến đáng giá. Đây cũng là lần đầu tiên mà Intel áp dụng PCIe 4.0 cho toàn bộ các dòng bo mạch chủ sử dụng chipset Z690, H670 và B660… thay vì chỉ hỗ trợ ở một số dòng chipset Z490 và toàn bộ Z590 miễn là khi chạy chung với các vi xử lý Intel Gen 11 và 12 sắp tới.

    Điểm khác biệt lớn nữa là liên kết CPU tới chipset, hay còn gọi là DMI. Với các thế hệ vi xử lý trước đó, liên kết DMI chỉ được Intel “cấp” cho với băng thông x4. Ở Rocket Lake, Intel tăng gấp đôi băng thông cho liên kết DMI thành x8. Và ở Intel Alder Lake là DMI 4.0 X4. Điều này có nghĩa là gì? Là một bo mạch chủ sử dụng chipset Intel H610 lúc này cũng có thể ngang ngửa bo mạch chủ cao cấp X570 từ AMD, chẳng hạn như việc sử dụng nhiều SSD PCIe 4.0 x4 gắn vào có thể chạy được ở tốc độ tối đa có thể đạt được. Đáng tiếc là Intel lại không hỗ trợ PCIe 4.0 cho dòng chipset H610.

    Vi xử lý Intel Gen 12 Alder Lake hỗ trợ PCIe 5.0 x16, do đó trên bo mạch chủ cũng xuất hiện cổng PCIe dành cho việc này. Cổng này dành riêng cho việc hỗ trợ các cạc đồ họa PCIe 5.0 sau này.

    Cuối cùng, Intel Gen 12 là một cuộc cách mạng nhỏ trong thế giới của kiến ​​trúc x86, bởi các vi xử lý thuộc thế hệ này là những bộ xử lý đầu tiên tích hợp kiến ​​trúc lai. Quá trình này bao gồm việc kết hợp hai loại nhân khác nhau trên cùng một con chip. Nhân đầu tiên, được gọi là Percormance-Cores (Hiệu suất), dành riêng cho hiệu suất trong các tựa game và ứng dụng đơn luồng sử dụng nhiều tài nguyên. Nhân thứ hai, được gọi là Efficient-Cores (nhân hiệu quả năng lượng), đặc biệt hiệu quả cho đa nhiệm và xử lý các tác vụ phụ trợ. Cả hai kết hợp sẽ mang lại hiệu suất ngoạn mục và khả năng đáp ứng đáng kinh ngạc cho hệ thống trong nhiều ứng dụng. Tuy nhiên, kết quả như thế nào thì phải chờ tới ngày 4/11 khi dỡ bỏ lệnh NDA chúng ta mới thấy được toàn cảnh hiệu năng của các vi xử lý này thông qua các bài review chính thống từ các testlab uy tín trên thế giới.

    Quay trở lại chủ đề chính của bài viết ngày hôm nay, ngay khi Intel công bố dòng vi xử lý Intel Gen 12 và chipset Z690 trong hội nghị Intel Inovation 2021 thì đồng loạt tại Việt Nam các NPP/Hãng/Đại lý đều đăng tải hình ảnh của các bo mạch chủ mới nhất trên nền tảng này. Và một trong số đó mà mình có dịp cầm trên tay, như tiêu đề của bài viết đã nói lên tất cả.

    Trước khi đi sâu vào phân tích chi tiết bo mạch chủ ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI, cùng nhau điểm một số tính năng đáng giá của bo mạch chủ này như bên dưới:

     

    • Hỗ trợ bộ vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 12 socket LGA 1700

     

     

    • Hỗ trợ bộ nhớ DDR5, lên đến 6400 MHz (OC)

     

     

    • Tối ưu hóa 5 chiều với DIGI + VRM, TPU, EPU

     

     

    • Làm mát hoàn toàn với cụm Heatsink VRM lớn, Heatsink M.2, Đầu nối quạt lai và Quạt Xpert 4

     

     

    • Ép xung AI và ASUS EZ DIYCổng M.2 PCI-E NVMe và USB 3.2

     

     

    • Mạng LAN 2,5 GbE + Wi-Fi 6E + Bluetooth 5,2

     

     

    • Tương thích với Aura Sync và Fan ARGB

     

    ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI là bo mạch chủ ATX tiêu chuẩn, phù hợp với nhiều loại vỏ case phổ biến trên thị trường. Là một bo mạch chủ thuộc phân khúc gaming, nên không thể thiếu được các hiệu ứng ánh sáng RGB. Tuy nhiên, ở ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI sẽ tập trung vào vùng giáp trên I / O à chủ yếu, do đó chúng ta sẽ thấy sự nổi bật bởi logo ROG. Bình thường, nếu chưa hoạt động, phần logo ROG sẽ tạo thành một khối phản chiếu lấp lánh.

     


    Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ tới sản phẩm bo mạch chủ P67 Sabertooth huyền thoại của ASUS khi là sản phẩm đầu tiên được hãng trang bị bộ giáp sắt bọc gần như toàn bộ bo mạch chủ, vừa mang tính thẩm mỹ cao, lại bảo vệ linh kiện bên trong khỏi va đập, nhưng không hề làm bo mạch chủ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Trải qua bao đời biến dị nhưng truyền thống vẫn được thừa hưởng, do đó ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI cũng được trang bị khối heatsink che phủ khoảng 3/4 bo mạch chủ. Trong đó, cụm heatsink VRM khá lớn được làm bằng hợp kim nhôm tích hợp kết hợp với nắp che I / O cùng dòng chữ STRIX nổi bật tạo điểm nhấn riêng biệt cho sản phẩm ở mặt trên. Ở mặt dưới là cụm heatsink cho PCH và khe M.2 với diện tích khá lớn, giúp tăng tính thẩm mỹ và cải thiện được nhiệt lượng khi hoạt động.

    ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI hỗ trợ bộ vi xử lý dòng Alder Lake mới của Intel thế hệ thứ 12 dựa trên socket LGA 1700 (1700 điểm tiếp xúc), do đó diện tích socket và vi xử lý sẽ lớn hơn nhiều. Đồng thời tản nhiệt cũng sẽ phải thiết kế lại để phù hợp hơn với việc lắp đặt lẫn hiệu quả giải nhiệt. Tuy nhiên, điểm rất hay của ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI nói riêng và các bo mạch chủ Z690 nói chung của ASUS, đó là được thiết kế lỗ tản nhiệt composite LGA 1700 và LGA 1200, có nghĩa là người dùng có thể tiếp tục sử dụng bracket cho các loại tản nhiệt LGA 1200 khi chưa đủ khả năng nâng cấp tản nhiệt. Nhưng nếu sử dụng các vi xử lý Intel Gen 12 có TDP/PL cao, mình khuyến nghị các bạn nên mua các tản nhiệt hỗ trợ LGA 1700 chính thống và mới nhất để phát huy toàn bộ được hiệu năng tốt nhất.

    Bên dưới là ảnh chi tiết mạch VRM của ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI, nhìn qua thấy rõ so với tiền nhiệm Z590 đã có sự cải tiến rất mạnh mẽ. Việc cải tiến VRM và layer PCB của dòng bo mạch chủ Z690 là điều bắt buộc phải làm, không chỉ riêng ASUS mà tất cả các hãng đều phải cải tiến. Thứ nhất là tuân thủ theo tiêu chuẩn ATX mới từ Intel trong đó việc thay đổi các đặc tả kĩ thuật về giá trị PL của các vi xử lý Intel Gen 12 đã tăng lên đáng kể. Điều thứ hai đó là các vi xử lý Intel Gen 12 khi hoạt động thực tế trong các ứng dụng load AVX sẽ khiến cho CPU Package hay giá trị PL rất lớn, có thể lên tới trên 400W khi ép xung. Do đó, các bo mạch chủ cần phải tăng cường khả năng thiết kế của mạch VRM nhằm đáp ứng cũng như chạy ổn định các vi xử lý Intel Gen 12.


    Đi sâu vào chi tiết mạch VRM của ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI, bo mạch chủ được thiết kế với 21 phase, trong đó các phase được phân chia cho các thành phần theo cấu hình 18 + 1 + 2, bao gồm 18 phase cho CPU VCORE, 1 phase cho VCCGT và 2 phase cho VCCAUX. Nói thêm một chút về VCCAUX, thực ra đây là thành phần có chức năng tương tự như VCCIO/VCCSA mà Intel gán cho các vi xử lý thế hệ trước, nhưng ở Z690 hãng thay tên đổi họ. Bản thân VCCAUX chịu trách nhiệm cấp nguồn/điều khiển cho bộ điều khiển bộ nhớ của CPU và Bộ điều khiển PCIe. Bộ điều khiển PWM được sử dụng để điều khiển các thành phần trong mạch VRM là của RENESAS RAA229131 (cấu hình 9+1), áp dụng công nghệ TEAMED, do đó tổng thể bo mạch chủ ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI có thiết kế phase 18+1.

    Smart Power Stage Intersil ISL99390
    Hai đầu nối cấp nguồn cho CPU 8PIN EPS PROCOOL II, thiết kế đầu nối nguồn bọc thép mang lại sự chắc chắn và ổn định hơn.

    Với thành phần phase cho CPU VCORE và VCCGT, ASUS sử dụng Smart Power Stages khá nổi tiếng trên các bo mạch chủ cao cấp thế hệ trước là Intersil ISL99390 90A, còn với VCCAUX là loại MP87992 70A đến từ Monolithic Power System. Nâng tổng số công suất cấp nguồn cho mạch VRM cho các thành phần CPU VCORE/VCCGT/VCCAUX theo lý thuyết lần lượt là 1620A/90A/140A. Kết hợp với đầu cấp nguồn 8+8 pin cùng với PCB 8 layer giúp cho việc tăng cường và cải thiện được điện áp của bo mạch chủ lên CPU một cách rất hiệu quả, tăng khả năng chạy fulload các vi xử lý TDP cao ngay cả khi ép xung nặng đô.

    Một đặc điểm nổi bật của ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI đó chính là trang bị tính năng Q-Release, đây là một nút đặc biệt được thiết kế trên bo mạch chủ, giúp người dùng tháo card đồ họa ra khỏi khe PCIe chính (ở vị trí số 1) một cách nhanh chóng và an toàn. Nói một cách khác, mình đánh giá cao sự tiện lợi và hữu ích của tính năng này, bởi nó sẽ giúp ích cho kĩ thuật viên và ngay cả người không hoặc chưa bao giờ lắp đặt hay tháo rời card đồ họa trên bo mạch chủ, chỉ cần bấm một nút và tháo card, thế là xong.

    Q-Release

    ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI hỗ trợ bộ nhớ DDR5 hoàn toàn mới, cũng tương tự như từ DDR3 lên DDR4, DDR5 hoàn toàn khác với DDR4 về ngoại hình, cách thiết kế lẫn chốt cắm, đồng thời mức dung lượng cũng vượt qua giới hạn dung lượng của DDR4 trước đó rất nhiều. Mức xung nhịp hỗ trợ tối thiểu từ 4800MHz với mức điện áp thấp nhưng hiệu suất hoạt động nhanh hơn. Bốn khe cắm DDR5 DIMM, hỗ trợ kênh đôi, với dung lượng lên đến 128GB, ép xung lên đến 6400+, được áp dụng công nghệ DDR5 AEMP để giúp ép xung bộ nhớ thông minh hơn. Một điều đáng chú ý với thế hệ bộ nhớ DDR5 mới, đó là cụm heatsink giải nhiệt đóng một vai trò rất quan trọng, vì thế hệ bộ nhớ này đã tích hợp PMIC (Power Management Integrated Circuit) trong mỗi module. Trước đây, điều này đã xuất hiện trên bo mạch chủ, và khi có sự xuất hiện của PMIC trên PCB của mỗi module bộ nhớ sẽ nảy sinh vấn đề nhiệt lượng và tuổi thọ, do đó việc giải quyết vấn đề tản nhiệt để hoạt động ổn định lâu dài là điều mà các hãng phải lưu ý.

    Có ba loại khe cắm PCI Express X16 trên bo mạch chủ. Trong đó khe gần CPU nhất là PCIe 5.0 x16, khe thứ hai là PCIe 3.0 x1 và hai khe bên dưới là một khe PCIe 4.0 x16 (x4) và một khe PCIe 3.0 x16 (x4). Để hỗ trợ cho khe PCIe 5.0 x16 này được sử dụng trong tương lai với các VGA thế hệ mới, ASUS sử dụng IC tạo xung nhịp G5 PRO CLOCK. Đèn Debug giúp báo lỗi Mainboard khi có sự cố cũng được trang bị cho dòng sản phẩm này và nó được đặt ở mặt trên góc phải bo mạch, dễ thuận tiện theo dõi.

    ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI có 3 khe cắm SSD M.2 (hỗ trợ và 6 khe cắm SATA, tất cả đều hỗ trợ RAID 0, RAID 1 và RAID 5, riêng SATA hỗ trợ thêm RAID 10. M.2 và SATA có thể ảnh hưởng đến khả năng share lane của nhau, trong đó khe M.2 hỗ trợ Q-Latch, cho phép dùng lắp trực tiếp mà không cần vít.

    ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI hỗ trợ cổng LAN Intel i225-V với băng thông 2.5Gb/s, ngoài ra bo mạch chủ còn được tích hợp thêm công nghệ WiFi 6E 802.11ax (2.4Gbps) + Bluetooth 5.2 với một module đính kèm trên bo mạch chủ, điều này giúp tăng băng thông truyền tải, giúp việc trải nghiệm game online hay dữ liệu mạng mượt mà hơn. Bo mạch chủ cũng hỗ trợ đầu nối Thunderbolt 4.

    Cụm âm thanh của ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI được cải tiến rất đáng giá, khi dựa trên chip xử lý âm thanh mới nhất Realtek ALC4080, một mạch điện tử có chức năng khuyếch đại tín hiệu Savitech SV3H712, cùng với DTS  Sound Unbound và Sonic Studio III và kèm theo đó là các tụ âm thanh cao cấp Nichicon ở mặt trước nhằm mang tới hiệu suất âm thanh tốt nhất cho bo mạch chủ. Mạch lọc nhiễu cũng được trang bị nhằm phân tách rõ ràng tín hiệu analog / digital giúp giảm thiểu nhiễu từ nhiều phía.

    Phần I/O bao gồm các thành phần sau:  BIOS FlashBack và nút Clr CMOS, 5 cổng giắc cắm âm thanh nổi 3,5mm, 1 cổng âm thanh kĩ thuật số quang họ S / PDIF, 1 cổng RJ45, 4 cổng USB 3.0, 4 cổng USB 2.0, 2 cổng USB 3.1, 1 cổng HDMI 2.1, 1 cổng Display Port 1.4, 1 cổng USB 3.1 Type C và 1 cổng USB 3.2 Type C.

    Còn một số thứ nữa các bạn chịu khó vào trang chủ sản phẩm xem spec để biết thêm chi tiết 

     

    TỔNG KẾT

    ASUS ROG STRIX Z690-E GAMING WIFI có nhiều sự cải tiến hấp dẫn so với tiền nhiệm, chẳng hạn như thiết kế VRM 18+1+2 sẽ làm kì vọng những tín đồ công nghệ khó tính nhất muốn trang bị một bo mạch chủ tốt đi kèm với vi xử lý Intel Gen 12 i9 và ép xung đỉnh cao, hoặc đơn thuần trải nghiệm tính năng AI OC. Nhìn chung, ASUS ROG Strix Z690 E-GAMING WIFI cho phép người dùng có thể lắp đặt một hệ thống mạnh mẽ và linh hoạt nhằm mang lại khả năng thực hiện nhiều tác vụ chuyên sâu bất kì, chẳng hạn như chơi game, livestream, đa phương tiện… Kèm vào đó là hàng tá công nghệ mới như RAM DDR5, card đồ họa PCI-Express 5.0 x16, SATA 6 Gb / s và M.2 PCIe 5.0 và USB 3.1 và USB 3.2 .

                                                              Source : tienpc.net

    Facebook Gọi điện Gửi tin nhắn Zalo Zalo Liên hệ